ỨNG DỤNG THIẾT BỊ HỖ TRỢ TÂM THẤT HEARTWARE LÀM CẦU NỐI CHỜ GHÉP TIM CHO BỆNH NHÂN SUY TIM GIAI ĐOẠN CUỐI TẠI VIỆT NAM

Phu Bui Duc, Minh Huynh Van, An Tran Hoai, Tan Nguyen Luong, Uyen Dang The , Hoang Doan Duc

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục đích: trình bày kinh nghiệm lần đầu triển khai kỹ thuật hỗ trợ tâm thất Heartware, một loại thiết bị cơ học hiện đại có dòng lưu lượng liên tục, để điều
trị bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối làm cầu nối chờ ghép tim ở Việt Nam.
Phương pháp: bệnh nhân đầu tiên với chẩn đoán bệnh cơ tim giãn và suy tim giai đoạn cuối được phẫu thuật cấy thiết bị hỗ trợ hỗ trợ tâm thất Heartware để làm cầu nối chờ ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 6/6/2014.
Kết quả: bệnh nhân trước mổ cấy thiết bị hỗ trợ thất trái mắc bệnh cơ tim giãn và bị suy tim giai đoạn cuối có phân suất tống máu thất trái giảm rất nặng EF = 17% mặc dù đã được điều trị nội khoa tối ưu và cần phải nhập viện nhiều lần trong năm và được điều trị bằng truyền tĩnh mạch thuốc trợ tim inotrope (liều trung bình 7,63±0,22 mcg/kg/phút) để duy trì sự sống. Phẫu thuật cấy thiết bị Heartware bằng cách gắn ống nhận máu của bơm vào mỏm thất trái và nối tận-bên ống thoát máu là một mạch máu nhân tạo vào đoạn động mạch chủ lên.Thời gian để cài đặt hệ thống và phẫu thuật cấy thiết bị Heartware khoảng 5 giờ.Diễn biến hậu phẫu thuận lợi với thời gian rút ống nội khí quản là 4 giờ. Các thông số huyết động cải thiện rõ với lưu lượng tuần hoàn tăng so với trước mổ (4,63±0,42 so với 1,67±0,37 lít/phút, p<0,05); trong khi bản chất bệnh lý cơ tim giãn với phân suất tống máu thất trái không thay đổi đáng kể (18,23±0,84% so với 17,23±0,64%, p>0,05). Các triệu chứng chức năng thận và gan cải thiện với lượng nước tiểu tăng (2,92±0,34 so với 0,9±0,29 lít/ngày, p<0,01); chức năng các cơ quan sau mổ cải thiện với creatinine/máu (68,24±14,04 U/L); SGOT (28,42±3,23 U/L); SGPT (28,42±3,23 U/L) trong giới hạn bình thường. Điều quan trong là người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn trước và giảm thiểu được phác đồ điều trị nội khoa; không phải sử dụng inotrop.Thời gian lưu bệnh nhân tại ICU là 72h.Thời gian nằm viện sau mổ là 14 ngày. Cho đến nay, bệnh nhân được hỗ trợ tuần hoàn cơ học bởi hệ thống Heartware được hơn 1 năm với tốc độ vòng quay tối thiểu 2400 vòng/phút; mức năng lượng sử dụng thấp 3,1±0,6W; vẫn đạt được lưu lượng bơm tối ưu 3,8±0,6 lít/phút. Không có các biến chứng như thuyên tắc huyết khối hoặc nhiễm trùng.


Kết luận:lần đầu ở Việt Nam, BVTW Huế đã ứng dụng thành công sử dụng thiết bị cơ học hỗ trợ tâm thất Heartware để điều trị và làm cầu nối cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối chờ ghép.

Chi tiết bài viết