Kết quả sớm phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải điều trị bệnh thông liên thất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi

Đỗ Anh Tiến, Lương Thị Như Huyền, Nguyễn Trần Thuỷ1,
1 Bệnh viện E

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: mô tả đặc điểm lâm sàng và kết quả sớm phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải điều trị bệnh thông liên thất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.


Tóm tắt: thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ khoảng 25%. Phẫu thuật vá lỗ thông liên thất được chỉ định khi bệnh nhân có biểu hiện suy tim, chậm tăng cân hay viêm phổi tái diễn; siêu âm tim có hình ảnh lỗ thông lớn hay nằm ở vị trí không tự bít được (dưới van động mạch chủ, phần phễu). Ngày nay, cùng với sự phát triển của gây mê hồi sức và kĩ thuật phẫu thuật, phần lớn bệnh thông liên thất được phẫu thuật qua các đường mở ít xâm lấn. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi đặc biệt là trẻ sơ sinh, cân nặng thấp, việc phẫu thuật qua đường mở ít xâm lấn trong điều trị bệnh thông liên thất vẫn còn là một thách thức trong thực tiễn lâm sàng. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá đặc điểm tổn thương cũng như kết quả sớm phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải điều trị bệnh thông liên thất ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi tại trung tâm tim mạch – bệnh viện E giai đoạn 2022 – 2023.


Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả. Từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 12 năm 2023, có 62 bệnh nhân  dưới 6 tháng tuổi mắc thông liên thất được phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải, 27 nam va 35 nữ, tuổi trung bình 3 tháng, cân nặng trung bình 4,8kg. Kích thước lỗ thông trung bình 7,4mm, tăng áp lực động mạch phổi nặng ở 27 BN (42,9%).


Kết quả: thời gian chạy máy trung bình: 68 phút, thời gian cặp ĐMC: 46 phút. Không có bệnh nhân phải mở xương ức. Thời gian thở máy trung bình 30 giờ, thời gian nằm viện 15 ngày. Không có bệnh nhân tử vong sau mổ. Biến chứng sớm sau mổ bao gồm: rối loạn nhịp tạm thời (4 BN), chảy máu sau mổ (1 BN), tai biến mạch máu não (2 BN), hẹp tĩnh mạch chủ trên (1 BN), liệt cơ hoành (1BN), tràn dịch dưỡng chấp (1BN). Siêu âm tim sau mổ: thông liên thất vá kín ở 55 BN (88,7%), 7 BN (11,3%) còn shunt tồn lưu nhỏ, không phải mổ lại. ALĐMP sau mổ giảm hoặc hết ở hầu hết các BN, chỉ có 1 BN vẫn còn TALĐM nặng sau mổ.


Kết luận: phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải điều trị bệnh thông liên thất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi là khả thi và mang lại kết quả sớm khả quan.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Inohara T et al. “The Effect of Body Weight in Infants Undergoing Ventricular Septal Defect Closure: A Report from the Nationwide Japanese Congenital Surgical Database.” J Thorac Cardiovasc Surg 157, no. 7 (2019): 1132–41.
2. Anderson et al. “Contemporary Outcomes of Surgical Ventricular Septal Defect Closure.” J Thorac Cardiovasc Surg 145, no. 3 (March 2013): 641–47.
3. Amin et al. “Early Outcome of Ventricular Septal Defect Closure in Infants under Five Kilograms of Bodyweight.” Journal of American Science 15 (2019): 92–97.
4. Kogon et al. “Closure of Symptomatic Ventricular Septal Defects: How Early Is Too Early?” Pediatr Cardiol 29 (2008): 36–39.
5. Jae Hong Lee et al. “Surgical Repair of Ventricular Septal Defect in Neonates: Indications and Outcomes.” Congenital Heart Disease 19, no. 1 (2024): 69–83.
6. Aydin S et al. “Toward Routine Minimally Invasive Ventricular Septal Defect Closure Via Right Lateral Minithoracotomy.” Front Pediatr 9 (2021).
8. Dodge-Khatami J et al. “Advantages of a Mini Right Axillary Thoracotomy for Congenital Heart Defect Repair in Children.” Cardiology in the Young 32, no. 2 (2022): 276–81.
9. Đạt TT et al. “Kết Quả Phẫu Thuật Tim Hở Ít Xâm Lấn vá Thông Liên Thất qua Đường Ngực Phải ở Trẻ Em Tại Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh Viện E.” Tạp Chí Phẫu Thuật Tim Mạch Và Lồng Ngực Việt Nam 34, no. 79–87 (October 8, 2021).
10. Trường NLT et al. “Kết Quả Ngắn Hạn Phẫu Thuật Ít Xâm Lấn qua Đường Dọc Giữa Nách Bên Phải Điều Trị Bệnh Thông Liên Thất Dưới Hai van Động Mạch Tại Bệnh Viện Nhi Trung Ương.” Tạp Chí Y Học Việt Nam 522, no. 1 (2023).